Những thủ tục môi trường cơ bản doanh nghiệp cần biết khi chuẩn bị đầu tư dự án
– Môi trường cho ta không khí để hít thở để sinh sống, nơi mang đến cho ta những cảnh đẹp làm cuộc sống trở nên phong phú. Vì thế vấn đề bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu không chỉ riêng một cá nhân, tập thể mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
– Tuy nhiên, để giám sát và ràng buộc trách nhiệm đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo vệ môi trường Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 và Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp này cần phải hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường.
– Hồ sơ môi trường là tập hợp các tài liệu về môi trường, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật. Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường sẽ bị xử phạt nghiêm trọng. Quyết định lập hồ sơ môi trường là việc cần thiết đối với bất kỳ nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh nào hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất mới thành lập.
Các hồ sơ cơ bản nhất mà các Doanh nghiệp hoạt động sản xuất khi chuẩn bị đầu tư đều phải thực hiện như sau:
Căn cứ vào quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần thực hiện các hồ sơ môi trường sau đây:
1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
– Mục đích: Phân tích các tác động đến môi trường, đề xuất các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cam kết các nguồn thải trước khi thải và môi trường (nguồn tiếp nhận) đều phạt nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.
– Đối tượng thực hiện: Quy định tại phụ lục II, Nghị định 18/2015.NĐ-CP ngày 14/02/2015.
– Trường hợp lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường:
+ Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có một trong những thay đổi dưới đây :
+ Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
+ Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;
+ Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
+ Theo đề nghị của chủ dự án.
– Cấu trúc và nội dung Báo cáo ĐTM: Quy định tại phụ lục 2.3 Thông tư 27/2015/TT-BNTMT ngày 29/5/2015.
– Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh.\
2. Kế hoạch bảo vệ môi trường
Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
– Đối tượng thực hiện: Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng, dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (cụ thể tại khoản 1, điều 18 Nghị định 18/2015.NĐ-CP).
+ Lưu ý: Các đối tượng không phải lập kế hoạch BVMT quy định tại phụ lục IV Nghị định 18/2015.NĐ-CP (thông thường các đối tượng này gây ít tác động xấu đến môi trường, ví dụ: Dịch vụ thương mại, các hoạt động tư vấn, các hoạt động quy mô hộ gia đình…).
– Cấu trúc và nội dung Báo cáo ĐTM: Quy định tại phụ lục 5.5 và 5.6 Thông tư 27/2015/TT-BNTMT ngày 29/5/2015.
– Cơ quan phê duyệt:
+ Sở Tài nguyên môi trường đối với các đối tượng thuộc phụ lục 5.1, cấu trúc nội dung thực hiện theo phụ lục 5.5 Thông tư 27/2015/TT-BNTMT ngày 29/5/2015.
+ Ủy ban nhân dân thành phố hoặc UBND huyện đối với các đối tượng còn lại, cấu trúc nội dung thực hiện theo phụ lục 5.6.
3. Báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường
– Nội dung: Sau khi Báo cáo ĐTM được phê duyệt cơ sở thực hiện như sau:
+ Có thể điều chỉnh nội dung, các công trình bảo vệ môi trường của dự án theo Quyết định phê duyệt ĐTM.
+ Lập Kế hoạch quản lý môi trường dự án gửi để niêm yết nơi tham vấn cộng đồng (phường, xã).
+ Tiến hành thi công xây dựng dự án, thi công các công trình BVMT.
+ Lập Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình BVMT gửi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM và nơi tham vấn (lưu ý lập trước khi vận hành thử nghiệm).
+ Đối với các đối tượng quy định tại cột 4, phụ lục II, nghị định 18/2015/NĐ-CP, chủ dự án phải báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm gửi cơ quan phê duyệt ĐTM để kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án đi vào hoạt động chính thức, sau khi kiểm tra nếu nhất trí sẽ cấp Giấy các nhận hoàn thành Công trình bảo vệ môi trường (lưu ý các đối tượng thuộc cột 4 thường là các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp có công trình bảo vệ môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao).
4. Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại
– Các cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại (dầu mỡ, bóng đèn, hóa chất thải…) phải thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BNTMT ngày 30/6/2015.
– Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH: Chủ dự án phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, quy định tại điều 13 Thông tư 36/2015/TT-BNTMT.
+ Cơ sở định kỳ báo cáo quản lý CTNH hàng năm theo mẫu tại phụ lục 4 Thông tư 36/2015/TT-BNTMT; cơ sở hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH đúng quy định.
+ Nếu cơ sở phát sinh CTNH với số lượng nhỏ hơn 600kg/năm hoặc phát sinh CTNH có thời gian không quá 01 năm thì không phải thực hiện lập hồ sơ đăng ký, tuy nhiên vẫn phải Báo cáo quản lý chất thải nguy hại.
5. Quan trắc môi trường
Nội dung: Khi dự án bắt đầu triển khải, cơ sở phải quan trắc môi trường theo Báo cáo ĐTM được duyệt, nội dung quan trắc, tần suất quan trắc quy định tại Chương 5 của Báo cáo ĐTM (lưu ý: Quan trắc xung quanh tần suất tối thiểu 6 tháng/lần; quan trắc nguồn thải tối thiểu 3 tháng/lần).
Quy định: Hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 43/2015/TT-BTNMT ngày 29/9/2015.
– Lưu ý: Cơ sở phải lập báo cáo quan trắc sau khi quan trắc 30 ngày.
6. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước
– Các văn bản quy định cụ thể: Thông tư 27/2014/TT-BNTMT ngày 30/5/2014; Quyết định 11/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015.
– Đề án khai thác sử dụng nước mặt, nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước: Các đối tượng thuộc điều 4, Quyết định 11/2015/QĐ-UBND không phải lập hồ sơ cấp phép (ví dụ xả nước thải dưới 5m3/ngày.đêm, khai thác nước quy mô hộ gia đình nhỏ hơn 10m3/ngày.đêm…); Còn lại tất cả các đối tượng khai thác nước mặt, nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước đều phải lập Đề án để xin cấp phép.
– Cơ quan cấp phép: Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường, phân cấp cụ thể tại điều 9 Quyết định 11/2015/QĐ-UBND.
7. Các văn bản sử dụng trong bài viết
– Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
– Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;
– Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;
– Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;
– Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Quyết định ban hành quy định cấp giấy phép tài nguyên nước và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
@ Rất mong sự góp ý của các bạn để tài liệu này được hoàn thiện, để góp ý các bạn có thể comment lên face Moi Truong Cao Bang hoặc gửi email tới mtcaobang@gmail.com.